Lucky88: Huyền thoại Lý Tiểu Long qua lời kể của chị dâu
Huyền thoại Lý Tiểu Long qua lời kể của chị dâu
Trong tâm tưởng của cố nhà văn Lâm Yến Ni, sao hành động là người thích đùa cợt, thay tình nhân như thay áo song suy nghĩ rất sâu sắc.
Lâm Yến Ni là chị dâu cũng là tri kỷ của Lý Tiểu Long. Bà qua đời vì bệnh ung thư phổi, tang lễ diễn ra hồi cuối tháng 6. Sinh thời, Lâm Yến Ni nhiều lần nhắc tới Lý Tiểu Long qua các bài phỏng vấn, sáng tác thơ văn. Sina nhận xét qua lời kể của Lâm Yến Ni, khán giả biết được những mặt khác của siêu sao võ thuật gốc Hoa. Lâm Yến Ni biết Lý Tiểu Long vì anh là em trai của Lý Trung Sâm - người theo đuổi Lâm Yến Ni. Lần đầu gặp mặt, Yến Ni là một thiếu nữ, còn tài tử ngoài 20 tuổi. Cô chưa từng xem phim anh đóng. "Lúc đó, tôi chỉ biết anh ấy là chàng trai công không thành danh không toại, lang bạt kỳ hồ. Anh ấy kể với tôi về khó khăn, về ước mơ. Vì thế, tôi biết những điều chân thực nhất từ con người này", Lâm Yến Ni bày tỏ trong bài viết trên tờ Southern Metropolis Daily.
Theo nhà văn, Lý Tiểu Long thích đùa cợt, trêu chọc người khác, bất kể đối phương có thích hay không. Nam diễn viên nhiều lần dạy cô ra đòn chân nhưng cô vừa giơ chân lên đã bị anh dùng tay giữ chặt, khiến cô không thể co lại, cứ đứng một chân xin Tiểu Long buông tay. Anh chọc cô: "Chỉ tung chân nhanh thôi chưa đủ, thu chân về phải nhanh hơn. Như em thế này, chẳng phải muốn người ta nắm lấy chân đánh cho tơi bời hả?".
Một lần khác, Lâm Yến Ni ngồi trên xe của Lý Tiểu Long. Được một đoạn, anh nói: "Chết, em ngồi lên chiếc bánh trứng rồi kìa, váy bẩn rồi, xuống đi rửa đi". Sau đó, Lý Tiểu Long dừng xe ở trạm đổ xăng, cô chạy xuống tìm nước rửa nhưng phát hiện ra váy không dính gì. Lên xe, Lâm Yến Ni mới nhận ra chiếc bánh chỉ là đồ chơi, Lý Tiểu Long cười ngặt nghẽo.
Lý Tiểu Long kể hết với Lâm Yến Ni chuyện anh "cua gái". Lần đầu tài tử "quan hệ" là năm 14 tuổi, với một nữ diễn viên lớn tuổi hơn anh. Thời thanh niên, Lý Tiểu Long trải nhiều mối tình với các người đẹp, mỗi cuộc tình chỉ khoảng vài tháng.
Từng chứng kiến cú ra đòn chân chớp nhoáng của Lý Tiểu Long, Lâm Yến Ni nhận xét tốc độ của anh nhanh tới khó tin. Một lần, bố mẹ Lâm Yến Ni đưa cô và Lý Tiểu Long đi ăn và khiêu vũ ở khách sạn. Sau đó, tài tử dẫn cô đi dạo. "Tối đó, anh ấy ăn vận rất bảnh bao, bộ vest đen rất chỉnh tề. Nhưng do nóng quá, anh ấy cởi áo khoác cầm trên tay, để lộ chiếc áo sơ mi màu tím trông rất hợp mốt", Lâm Yến Ni kể. Bốn tên lưu manh vây quanh thách thức Lý Tiểu Long. Lâm Yến Ni sợ hãi còn anh điềm tĩnh, đứng yên. Chỉ trong chớp mắt, cả bốn tên ngã lăn xuống đất vì những cú đá của Lý Tiểu Long.
Tuy nhiên, ấn tượng sâu đậm của Lâm Yến Ni về Lý Tiểu Long không phải võ công của anh mà là tư tưởng, chiều sâu tâm hồn. Tài tử từng nói với cô: "Muốn sang sông, người ta phải làm một chiếc bè. Sau khi sang được bờ bên kia, phải bỏ cái bè đó đi. Nhất định bỏ lại. Chẳng có lý do gì người ta phải gánh chiếc bè nặng như thế để đi chặng đường dài phía trước".
Sau này khi trưởng thành, Lâm Yến Ni tiếp xúc Kinh Phật, mới biết câu của Lý Tiểu Long lấy ý từ câu trong Kim cương kinh. Lâm Yến Ni cho rằng tư tưởng của Lý Tiểu Long trong võ thuật là vậy. Giai đoạn một là khi con người ở bờ bên này, chưa lên được bè. Giai đoạn thứ hai, người đó nỗ lực để làm chiếc bè, học cách chèo bè sang bờ bên kia. Giai đoạn thứ ba, kỹ thuật chèo bè của người đó đã thành thục tới không cần tốn nhiều sức cũng có thể cập bến. Giai đoạn bốn, sang tới bờ bên kia, con người cần bỏ cây chèo và chiếc bè lại.
"Người ta sùng bái Lý Tiểu Long nhưng thường chỉ dừng lại ở giai đoạn thứ ba. Thực ra, tâm nguyện của anh nằm ở giai đoạn bốn, đó là buông bỏ tất cả", Lâm Yến Ni viết. Theo bà, khán giả chỉ để ý đến võ công của Lý Tiểu Long mà quên đi tư tưởng của anh. "Có rất nhiều người hỏi nếu Lý Tiểu Long còn sống, liệu anh ấy có chấp nhận được việc sẽ có người trẻ tuổi hơn anh, nổi tiếng hơn, đánh đấm cừ hơn. Tôi nghĩ, nhất định không có chuyện đó. Nếu anh ấy sống lâu hơn, thành tựu triết học của Lý Tiểu Long sẽ lớn hơn thành tựu trong võ thuật".
Năm 1971, một võ sĩ thỉnh giáo Lý Tiểu Long dạy Tiệt quyền đạo - môn võ anh sáng lập. Tài tử hỏi: "Anh muốn làm cây tùng trên núi cao hay cây lau sậy mọc bên ao hồ?". Người kia đáp: "Đương nhiên là cây tùng". Lý Tiểu Long đáp: "Cây tùng mặc dù cứng cáp, vẫn có thể bị tuyết lớn đè đổ. Cây lau sậy nhìn có vẻ yếu ớt nhưng chúng có thể trụ được trong gió tuyết. Sức mạnh thực sự không nằm ở việc ngoại hình như thế nào mà là sự kiên cường bên trong".
Khi Lý Tiểu Long đột tử ngày 20/7 cách đây 45 năm, Lâm Yến Ni chưa ly hôn Lý Trung Sâm. Sinh thời, bà không thấy mình là chị dâu của sao hành động. Thứ nhất vì Lý Tiểu Long lớn tuổi hơn, thứ hai, họ thân thiết nhau trước khi bà kết hôn. "Người tôi quen biết không phải siêu sao Lý Tiểu Long mà là một chú ngựa bất kham, luôn nỗ lực hết mình. Anh ấy tốt bụng, lương thiện, thích ra tay trước chuyện bất bình", bà nói.
Sau khi ly hôn Lý Trung Sâm, Lâm Yến Ni trải qua nhiều lận đận tình cảm. Quãng thời gian chống chọi bệnh ung thư cuối đời, bà viết: "Kiếp sau không làm Lâm Yến Ni nữa, khổ quá. Kiếp sau muốn làm người đàn bà ngốc ngốc, được chồng yêu thương, chiều chuộng". Bà được mệnh danh là tài nữ. Nhà văn Kim Dung đánh giá Lâm Yến Ni là tác giả viết tản văn hiện đại hay nhất của Hong Kong.
Kỷ niệm 45 năm ngày mất Lý Tiểu Long, báo giới, khán giả dành cho anh sự ngưỡng mộ, nhớ nhung. Tờ Nhân Dân Nhật Báo nhận định nhờ Lý Tiểu Long, từ Kungfu được đưa vào từ điển tiếng Anh (Kungfu có nguồn gốc tiếng Hán, chỉ võ công). "Anh ấy sống 33 năm ngắn ngủi nhưng sức ảnh hưởng, triết lý võ thuật lan tỏa đến hôm nay", khán giả có nickname Boom-Shakalaka bình luận.
Last updated